CẨN NGÔN - Huệ Ý

HỌC LỜI ƠN TRÊN DẠY
VỀ CẨN NGÔN

    Đối với người tu tìm cầu giải thoát thì làm sao để nghiệp không ràng buộc mình vào sáu nẻo luân hồi là quan trọng. Ơn Trên dạy: trước tiên phải tịnh tam nghiệp:
“Trước xem xét thân, tâm, khẩu, ý,
Sau lặng tìm yếu lý lưu hành”.[ Khẩu quyết sơ thiền.]
    Khẩu là một mắc xích quan trọng của đời tu.

CÁI MIỆNG.
Mỗi người có hai mắt, hai tai, hai mũi, thế mà chỉ có một cái miệng. Trong ngũ giới cấm, cái miệng phạm tội đến hơn phân nữa:
1. ăn : nhứt bất sát sanh;
2. uống: tứ bất tửu nhục;
3. nói: ngũ bất vọng ngữ.
Người tu cũng dùng cái miệng để:
1. tụng kinh, công phu để tự độ ;
2. thí pháp: phấn đấu tu khá thì được Ơn Trên ban ân thuyết trình và giảng đạo để độ tha.

ĂN : NHỨT BẤT SÁT SANH.
BẤT SÁT SANH: cấm giới đầu tiên, quan trọng nhất vì phạm rồi không thể cứu vãn, không thể tái lập nguyên trạng. Ơn Trên dạy:
“Điều thứ nhứt: sát sanh hại mạng,
Kẻ thác oan, thù oán rất sâu;
Báo đời này cho tới kiếp sau,
Nghiệt oan ấy chừng nào đặng giải?[ Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu “Bố cáo, Sám hối, Tịnh nghiệp vãn, Nhựt tụng, Giác thế” tr.186.]”
Ăn chay là đạo công bình, việc gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mừng đừng làm cho người khác. Chúng ta nghĩ tới cảnh có người bẻ giò, bẻ tay mình ăn thì sẽ ra sao. Phải phấn đấu ăn chay trường thì mới hết sát sanh. Ăn chay kỳ là vẫn còn gián tiếp phạm sát.[ Tại chợ Long Hoa (Tây Ninh) trước khi hòa bình, vào những ngày thập trai không có quày thịt nào cả, vì bán không ai mua. ] Người ăn chay trường vẫn còn mạng nợ của cây cỏ, phải rán tu để cứu độ lại chúng sanh, trong đó có chúng. Ơn Trên dạy:
“Hoặc giận hờn mưu tính độc sâu,
Hoặc bước chân trùng kiến đạp nhầu;
Hoặc tay bẻ cọng rau vô cớ,
Phàm đã quyết tu hành phải nhớ,
Răn sát sanh từ chỗ tế vi…”[ Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu “Bố cáo, Sám hối, Tịnh nghiệp vãn, Nhựt tụng, Giác thế” tr.187.]
Hoa quả là âm dương tiên thiên, không trường chay thì không đi sâu vào công phu để giải thoát được. Trong các nghiệp của người tu thì nghiệp sát và nghiệp sắc là khó chuyển nhứt.
Việc ăn uống mỗi ngày của người tu, Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy “về phần ẫm thực, y phục phải đạm bạc đơn sơ, để quen với nếp sống tập thể trong kỷ luật nhà chùa, muối dưa, chia sẻ.”
[VNT 27.01.Ất Mão].

Vào khóa tu, Đức Đông Phương Lão Tổ dạy “về ẫm thực khóa tu: tự túc hoặc được sự giúp đở của tập thể nhưng cần nhứt là phải giản dị và thanh đạm”.[ CQPTGLĐ, 26.5.Kỷ Mùi.]

Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy “thần đủ ít ngũ, khí đủ ít ăn”. Khi vào khóa tu mà chúng ta ăn nhiều, ngũ nhiều thì phải xem lại việc hành công của mình.
UỐNG : TỨ BẤT TỬU NHỤC.
Về cơ thể thì rượu làm hư bộ thần kinh, suy nhược nòi giống. Say rượu làm giảm, thậm chí làm mất phẫm giá con người. Ơn Trên dạy:

“Uống say sưa trí phải hôn trầm,
Tránh sao khỏi lỗi lầm lắm việc;
Gương trước mắt, nhiều điều đáng tiếc,
Người trở nên mất nết hư thân,
Lại còn thêm tánh bạo hay sân,
Khổ gia quyến,  đổ lần cơ nghiệp”.
[ Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu “Bố cáo, Sám hối, Tịnh nghiệp vãn, Nhựt tụng, Giác thế” tr.193.]

Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy: đối với một người say mê chè chén, té ngã đầu đường xó chợ thì chúng ta có thể xếp họ vào tư thế nào trong hàng ngũ nhân sanh? (ngư, tiều, canh, mục, sĩ, nông, công, thương, công, hầu, khanh, tướng…).
Khi uống rượu quá độ thì tội nào trên đời này cũng dám làm (hậu quả này thấy hằng ngày trên báo Công An). Ơn Trên dạy:

“Giới này phạm, không lo chừa bỏ,
Bốn giới trên rất khó giữ tròn.
Nếu sát sanh, đạo, vọng, dâm bôn,
Ắt trụy lạc, tâm hồn thống khổ.”
[ Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu “Bố cáo, Sám hối, Tịnh nghiệp vãn, Nhựt tụng, Giác thế” tr.195.]

NÓI : NGŨ BẤT VỌNG NGỮ.
Giữa cá nhân với nhau: chúng ta học gương của đức Phật. Một hôm đức Phật đi giảng đạo về, có một người cứ đi sau lưng nói những lời không hay về Ngài. Đến cửa tịnh xá, anh chàng kia hỏi “này Thế Tôn, Ngài có bị khuyết tật tai không?” Đức Phật đáp “Ta vẫn nghe hết!” – Thế sao Ngài không trả lời? Đức Phật chẫm rãi hỏi “khi có người đem tặng ngươi món quà, nếu không nhận thì ngươi làm sao? – Tôi trả lại cho người đó. Đức Phật tiếp “Ta cũng thế, ta trả lại những lời ngươi nói từ nảy giờ với Ta”.
Cổ nhân dạy “Nhân vô tín bất lập” (không giữ lời hứa thì không thể làm bất cứ việc gì!). Cho nên chúng ta phải “Mẫn sự thận ngôn”(siêng năng làm việc mà cẩn thận khi nói). Một lời nói không chính xác mà cứ được lập đi lập lại nhiều lần có thể tạo nghi ngờ thậm chí bị hiểu lầm là đúng, đó là sức mạnh cộng hưởng của lời nói. Mẹ ngài Tăng Sâm khi lần thứ ba nghe đồn con bà giết người, bà hoảng sợ chạy trốn. Dầu Ngài Tăng Sâm không hề làm việc đó. Ơn Trên dạy:
“… Nay vào đạo, mau mau cải quá,
Chẳng những không dối giả hại người;
Lúc chuyện trò cũng chẳng nói chơi,
Hay bướng bỉnh hứa rồi chẳng nhớ.”
[ Minh Lý Đạo, Tam Tông Miếu “Bố cáo, Sám hối, Tịnh nghiệp vãn, Nhựt tụng, Giác thế” tr.193.]

Đức Chí Tôn dạy “như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con đã nói dối với lương tâm, tức là chơn linh. Thầy đã nói chơn linh ấy đem nạp vào Tòa phán xét từ lời nói của các con, dầu những lời nói ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội hình cũng đồng một thể. Nơi Tòa phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tôi cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể. Các con khá nhớ.
[ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển “bài Tại sao cấm vọng ngữ?.”]”

Tác ý đã tạo nghiệp, nên khi chúng ta nói không thật là đã vừa tạo ý nghiệp, vừa tạo khẩu nghiệp.
Đức Ngô Đại Tiên dạy “người tu đã cẩn hạnh mà còn phải cẩn ngôn, bởi lỡ một lời dính dấp phải ở lại đáp đền oan trái thì cũng cả trăm năm” [Tiểu sử hành đạo của Đức Ngô Minh Chiêu tr.170”].

Kinh nghiệm của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, ở kiếp thứ chín, do một sát na oan nghiệt thốt lời:
“Có chăng kiếp khác họa là,
Kiếp này sợi chỉ trót đà buộc tay”.
    Mà phải trả thêm một kiếp thứ mười nữa trong thân Thị Kính, Kính Tâm.
    Đức Ngô Đại Tiên dạy trong Thập thanh điều :
“Một khuyên giãm khẩu bớ con,
Hai khuyến báo đáp cho tròn hiếu trung”.
Y = AX2
Y = đoạn đường từ khai khẩu đến tịnh khẩu,
A = nghiệp lực từ các kiếp dồn lại.
X= vọng niệm, càng vọng niệm thì Y càng dài. Ơn Trên dạy “vọng sanh niệm khởi lù lù chúng ma”.
Dừng vọng niệm thì tịnh khẩu ngày (X = 0; Y = AX2 = 0).

LỜI DẠY : PHÁP THÍ – CHUYỂN NGỮ.
Tài thí : giúp cơm áo gạo tiền thì ai cũng thực hiện được.
Pháp thí: giúp lời khuyên, lời hướng dẩn để học, tu, hành đạo thì phải được Ơn Trên ban ân khi hành giả hội đủ những điều kiện tâm hạnh đức tài.
Lời vàng :
Một lời nói cải hóa một đời người. Cụ Phan Bội Châu từ hải ngoại viết thư về báo cho các đồng chí biết Lê Khiết là một chó săn của Pháp, phải coi chừng đừng để bị cắn. Lê Khiết là một người còn lương tâm, ông không thù, không giận cụ Phan, ngược lại còn hối hận trước những hành động chống lại nhân dân, chống lại tổ quốc. Ông tìm cách bắt liên lạc với nghĩa quân và xin tìm cách đoái công chuộc tội. Việc làm này không thể qua mắt thực dân Pháp, chúng bắt ông và đưa ra tử hình. Trước lúc xử bắn, tay sĩ quan Pháp hỏi ông “ngươi đã phản lại chúng ta, vậy có muốn nói gì nữa không? Ông đáp “nửa đời ta đã phạm tội với quốc dân, với đồng bào, nay dòng máu này rửa đi những vết nhơ đó!”.
Chuyển ngữ :
Lời nói giúp chuyển tâm, giải thoát tình trạng trói buộc. Ngài Hồ Tông Thốc, người huyện Thổ Thành, nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An, tuổi trẻ đổ cao, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ, Thẩm hình viện sứ. Đời nhà Nguyên, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Đến Ô giang, có miếu thờ Hạng Vũ, thuyền phu cho biết thuyền bè qua lại đến đây không vào đèn hương lễ bái thì sóng đánh đắm. Ông ra lệnh cứ tự nhiên lướt qua, ngay tức thì mặt sông nổi sóng. Ông ra đầu thuyền lớn giọng ngâm:
“Vua chẳng vua, mà tôi chẳng tôi,
Bến sông miếu mạo để thờ ai?
Giang Đông ngày trước còn chê nhỏ,
Tiền giấy nay sao lại vật nài?”
[ Đặng Việt Thủy “117 Vị sứ thần Việt Nam” tr.74, nxb Quân Đội Nhân Dân Hà Nội 2009.]

Mặt sông trở lại lặng yên, thuyền tiếp tục đi. Tương truyền từ đó miểu Hạng Vũ hết linh. Chúng ta có thể luận bàn theo hai cách :
Một, tâm của Hạng Vũ đã được chuyển sau khi nghe bài thơ, nên ông đã đi tu, hoặc tái kiếp;
Hai, bài thơ là một câu chú của Ông Hồ Tông Thốc đã trấn yếm, khiến Hạng Vũ không còn tác oai, tác quái nữa.
Đứng trên bục thuyết trình, chúng ta chọn đề tài và ngôn từ trong giới hạn thực tu, thực chứng của mình để tránh tình trạng thọ nghiệp lâu dài như lão tăng dưới thời Bách Trượng. Xin trích lại như sau:
“Cứ mỗi khi hòa thượng Bách Trượng[2] thuyết pháp, thường có một lão già đi sau tăng chúng đến nghe. Khi các thiền sinh rút lui, lão cũng bước ra theo. Thế rồi một hôm, lão bỗng không lui mà nán lại giảng đường. Lúc đó, Bách Trượng mới hỏi:
-Người đứng trước mặt ta, ông là ai vậy?Lão già thưa:
-Tôi không phải loài người. Xửa xưa, thời Phật Ca Diếp[3], tôi đã trụ trì ở núi này. Một hôm, đệ tử có người hỏi rằng người tu hành đạo Phật đến chỗ cao diệu vẫn còn có thể sa vào vòng nhân quả[4] khổ đau hay không.Tôi mới trả lời là không, người như thế không sa vào vòng nhân quả. Vì nói vậy mà suốt một thời gian dài tôi sa vào súc sinh đạo, bị đọa làm thân chồn hoang, cho đến nay đã trải qua năm trăm kiếp. Vậy xin thầy ban cho tôi một câu trả lời đúng để tôi có thể thoát ra khỏi kiếp chồn.
Nói xong, lão đặt lại câu hỏi cho Bách Trượng:
-Thế thì người tu hành đạo Phật đến chỗ cao diệu vẫn còn có thể sa vào vòng nhân quả khổ đau hay sao?
Hòa thượng mới trả lời:
-Không mê muội nhân quả.
Lúc đó, lão già chợt đại ngộ, vái lạy hòa thượng Bách Trượng và nói:
-Như thế thì tôi đã thoát được kiếp chồn. Xác của tôi bỏ lại nằm ở sau núi. Xin thầy hãy lấy lễ chư tăng mà chôn cất cho.
Hòa thượng bèn lệnh cho tăng giữ chức duy na[5] thông tin[6] để chúng tăng tụ họp, báo rằng sau giờ cơm trưa sẽ làm lễ chôn cất một tăng sĩ vừa mới mất. Mọi người ngạc nhiên xôn xao: “Chúng ta mạnh khỏe như thế này, ở Niết Bàn Đường[7] chẳng ai nằm bệnh cả, sao lại bảo thế”. Cơm nước xong hòa thượng hướng dẫn mọi người ra một cái hang đá phía sau núi, dùng trượng khều ra được xác chết một con chồn hoang. Bèn hỏa táng ngay.”
   
LỜI NÓI CỦA HIỀN GIẢ QUÍ HƠN VÀNG BẠC.
Đức Lão Tử tiễn đức Khổng Tử



“Tôi nghe nói người giàu sang lấy tiền bạc để tiển nhau, tôi không phải là người giàu sang, nhân trộm lấy tiếng là người nhân đức xin có lời này để tiển ông: kẻ thông minh và sâu sắc là gần với cái chết vì họ khen chê người ta một cách thẳng thắn. Kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng  làm nguy đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. … Người buôn giỏi thì biết giấu hàng hóa, người quân tử thì diện mạo dường ngu si. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo và lòng ham muốn nhiều. Những cái ấy đều không có ích gì cho ông. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi.”
                                   

LỜI DẠY CỦA CÁC ĐẤNG THIÊNG LIÊNG LÀ TIÊN DƯỢC”.
    Tiên dược hoặc Thần dược là phương thang của các Đấng ban cho đệ tử để trừ thân bệnh cũng như tâm bệnh. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy “Điều mà Bần Tăng mừng hơn hết là đạo hữu (Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn) ý thức được lời dạy của Đức Vô Cực Từ Tôn, cũng như lời khuyến ái của Đức Nguyệt Điện Tiên Cô (thân mẫu Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn), đó là hai vị tiên dược đã, đang và sẽ giúp cho đạo hữu phục hồi sinh lực.
Tu là thuốc phổ thông, thiền là biệt dược để trừ các chứng tâm bệnh nan y. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
“Tu là thuốc chữa bệnh trần,
Thiền là đoạn diệt tham, sân, dục tình”.

TỪ BIỆT NGHIỆP ĐẾN CỘNG NGHIỆP.
Đây là vấn đề của tập thể: gia đình, tổ chức … Một câu nói của người có trách nhiệm (gia chủ, thủ trưởng … ) ảnh hưởng đến con cháu trong gia đình, nhân viên trong tổ chức.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy “người giác ngộ buông bỏ tất cả những gì còn phàm tục đắm mê. Nếu không giác ngộ, thì hơn thua một lời nói cũng chẳng nhịn ai. Mà đó là người thế gian phàm tục, đôi co, tranh chấp; tai họa đao binh cứ khởi mãi, tình cốt nhục cứ chia lìa người trần tục.”
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy thêm “Cần yếu là tổ chức được cộng đồng, quân bình sự sống, lấy tình thương tha thứ, từ bi thắt chặt hàng ngũ sao cho nam nữ ai cũng trong trắng tỏ rạng GIỚI HẠNH TẬP THỂ. Nhữ thế danh nghĩa được lan rộng, mà tâm đức cũng chứng đến quả hiền thiện. Được vậy không cần nói nhiều mà người nghe.”
Trong lời dạy này chúng ta lưu ý đến bốn chữ GIỚI HẠNH TẬP THỂ. Trong tập thể thì “mũi dại, lái chịu đòn”, “nhà dột, dột từ trên nóc xuống”. Nếu nhân viên phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, thì người đứng đầu phải uốn lưỡi bao nhiêu lần trước khi nói? – Bảy mươi lần bảy chăng?
Kinh nghiệm Chưa đổ ông nghè đã đe hàng xóm (trường hợp tiền kiếp của trạng nguyên Lương Thế Vinh). Tiền kiếp của ngài Lương Thế Vinh ở tại huyện Nam Xương (sau này là huyện Nam Ninh) tỉnh Nam Định. Năm 7 tuổi đi học, mỗi ngày ông đi ngang ngôi đền có con chó phục trước cổng. Mắt của ông được khai khiếu thế nào nên mỗi lần đi ngang thấy chó vẩy đuôi mừng. Khi kể lại cho cha nghe, cha ông bảo “nó biết vẩy đuôi thì chắc biết nói, con hỏi xem tại sao mừng con?” Ông nghe lời cha, hôm sau đi ngang đền liền nêu thắc mắc, chó liền đáp “tên ông được ghi vào sổ trạng nên tôi chào mừng.”
Từ lúc biết được tin này, mỗi khi có việc bất đồng với láng giềng, ông đe “rồi xem con ông đổ trạng các người biết!”
Hôm sau đi ngang, con chó lặng yên. Ông ngạc nhiên hỏi “sao người giận gì ta mà không chào như mọi ngày”. Chó đáp “cha ông nói lời tổn đức nên tên ông bị xóa sổ rồi!”.
Ông về từ biệt mẹ để đi nơi khác. Mẹ hỏi “vì sao?” Ông đáp “cha làm tổn đức nên con không viên thành học nghiệp được để phò vua giúp nước vì thế phải đi!”. Mẹ hỏi “con đi đâu?”. Ông đáp “ngày ấy, tháng ấy mẹ đến thôn Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản) tỉnh Nam Định thì rõ!”.
Tiền kiếp và hậu kiếp của ông Lương Thế Vinh đều ở tỉnh Nam Định, nên ông Lê Quý Đôn có đến tìm hiểu và ghi chép trong Kiến Văn Tiểu Lục.
[ Đặng Việt Thủy (chủ biên), “117 vị sứ thần Việt Nam”, tr.117, nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2009.]

Lời nói vừa tạo biệt nghiệp, vừa tạo cộng nghiệp. Trước khi thốt ra một lời chúng ta hãy nghĩ đến hậu quả không chỉ cá nhân mình mà vợ con sẽ gánh, nhân viên, nhân dân, đồng bào mình sẽ gánh.
Muốn xây dựng tăng đoàn Đức Phật dạy Lục hòa trong đó “KHẨU HÒA VÔ TRANH”.
TỪ TỊNH KHẨU ĐẾN HUỆ KHẨ̉U.
    Khi hành giả mở được huệ khẩu thì lời nói trúng được sự việc, lợi cho đồng đạo, đồng bào, giúp cho tập thể tinh tấn trên đường tu.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy “Bảo Pháp Chơn Quân (Huỳnh Chơn) hiền đệ! Bao năm tu luyện , hiền đệ vừa phát huệ khẩu rồi chớ ? Cười… Phát huệ có những bộ phận khác nhau như : huệ nhãn, huệ tâm, huệ nhĩ, huệ khẩu.
Điều này ít ai phân biệt được thế nào là huệ khẩu, nhưng khi phát ngôn bất thần mà trúng ngay sự việc, ích lợi cho vấn đề, đó cũng là huệ khẩu. Những nhân sanh đa số vì còn nặng nghiệp vô minh, đến khi nào tu tiến cho nhiều, lớp vô minh đó càng mỏng tan biến dần, minh châu sẽ hiện, đó là huệ” {TLD 20.9. Kỷ  dậu].
Làm sao để mở được huệ khẩu? Khi về cõi vô hình, Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn trở về dạy đàn em     “Người nguyên nhân sứ mạng được thọ Thiên ân trên bước đại thừa phải có đủ tâm đức thần thông mà thực hiện Thiên đạo, xây dựng đời thánh đức cho vạn vật vạn sinh. … Trong thân con người có sẳn một máy huyền linh, một bầu đơn dược. Vì tình thức lấp che nên bỏ chơn mượn giả. Gia tài của cải chôn sâu trong biển thận. Thần thông tản mát ở mắt tai (tỉ, thiệt, thân, ý). Thâu thần thông, khai quật kho tàng quí báu. Có phá mê mới biết được đường về nguyên xứ, hội nhập cùng khối đại linh quang, mới xứng đáng một kiếp nhơn sanh vô giá bảo. [CQ, 01.7.Nhâm Tuất].
    Thần là yếu tố quan trọng đối với các hành giả tu công luyện kỷ. Thần không tự nhiên mà có: Tâm định thì Thần trụ. Cái miệng lại liên quan đến việc luyện thần, Đức ĐÔNG LÃO TỔ DẠY “Khẩu khai thần tán” vì vậy tịnh viên phải tịnh khẩu. Không những tịnh khẩu mà phải tịnh luôn năm căn còn lại: nhãn, nhĩ, tỉ, thân, ý. Tịnh lục căn là thâu thần, huân tập nhiều ngày thì tự mở được thần thông. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy “Nếu biết điều thần dẩn khí thì phàm tâm trở lại thánh tâm, sáu nẻo luân hồi hóa thành sáu thông ba la mật” [MLTH 10.11.Bính Thìn].
    Có được huệ khẩu thì việc phổ thông giáo lý của hành giả thêm nhiều hiệu năng, kết quả. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy “Mỗi một người trong thế gian khi lòng được thanh tịnh, tâm được hướng thượng, sẽ tiếp nhận được luồng thanh điển, nói ra những lời vàng ngọc tỉnh thế ngộ chơn. Có khi chính mình mà mình cũng không biết đó là lời truyền của chư Tiên Phật”.

KẾT LUẬN :
1.Từ lúc phát tâm tu học, cẩn ngôn đã là việc cần làm ngay để trở nên người chơn tu.
2.Nghiệp của cá nhân không thể nào tách khỏi nghiệp tập thể: từ gia đình đến xã hội, khi đã mang vào trách vụ thì càng phải cẩn ngôn vì liên quan đến sự thăng trầm, sống còn của tập thể.
3.Đối với hàng ngũ thuyết trình giảng đạo thì giãm khẩu, tịnh khẩu để tiếp được sự ân ban của Ơn Trên, càng ngày càng tiếp cận với huệ khẩu  mới mong hoàn thành được sứ mạng.


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

google translation

Blogger Tips And Tricks|Latest Tips For BloggersFree BacklinksBlogger Tips And Tricks
English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified
Powered By google

Tìm kiếm trong Blog này

LỜI NGỎ

Kính quý Huynh Tỷ, Đây là trang cá nhân, các bài được sưu tầm trên mạng để học hỏi và chia sẽ với bạn Đạo . Kính

XEM NHIỀU NHỨT

BÀI MỚI

Bài đăng phổ biến