Ý nghĩa đạo Trời ngày mùng 9 tháng giêng - TTV Thanh Căn

Ý NGHĨA ĐẠO TRỜI NGÀY MÙNG 9 THÁNG GIÊNG

Mỗi năm, cứ đến ngày Mùng 9 tháng Giêng, toàn đạo Cao Đài đều thiết lễ Vía Thầy, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, là ngày biểu trưng cho ý nghĩa Tạo Đoan hoàn thành vũ trụ.
Đặc biệt đối với người đạo Cao Đài Tiên Thiên, bắt đầu từ Mùng 9 tháng Giêng năm Canh Dần 2010, được chính thức công nhận là ngày Khai Đạo Cao Đài Tiên Thiên do Thông Báo số 39/TB/BTT đề ngày 13/11/Kỷ Sửu (25.12.2009) của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên. Theo đó thì ngày Đức Chí Tôn dạy khai sáng Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Tý 1924 tại Thiên Thai Tịnh mà sau nầy là Tòa Thánh Vô Vi Thiên Thai (Cai Lậy-Tiền Giang).
Như thế, tầm quan trọng của ngày Đại lễ được nhân đôi và càng khiến cho chúng ta tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của ngày trọng đại đó.
Khi đề cập tới vũ trụ và nhân sinh, người đạo Cao Đài thường lưu truyền câu Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần : Trời mở mang ở Hội Tý, Đất mở rộng thêm ở Hội Sửu, Người sanh ra ở Hội Dần [1]. Đó là nói theo chu kỳ tạo đoan của vũ trụ. Còn nói theo ba ngôi (tam tài) thì ngôi Người tuy thuộc hàng thứ ba nhưng lại đứng ở vị trí chính giữa của ngôi Trời và ngôi Đất.
Không biết từ bao giờ, hình vẽ Tam Tài đã đặt ngôi Người đứng chính giữa, đầu đội trời chân đạp đất, khoảng giữa có Trời che đất chở Ta thong thả [2] đó chính
là Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh [3] vậy.
Trên Cao là Trời Cha, biểu tượng bởi số 9 lão dương; dưới Đài là Đất Mẹ, biểu tượng bởi số 6 lão Âm. Đất Trời được ứng hóa đều do lòng chúng sanh, mà lòng chúng sanh có ai khác hơn ngoài con Người hay người Con biểu tượng bằng tháng Giêng thuộc Dần?
Cũng từ sự ứng hóa đó mà lòng chúng sanh tức con người nói chung, dân tộc Việt nói riêng đều nảy sinh tín ngưỡng thờ Trời hay Hoàng Thiên Hậu Thổ được thể hiện qua Đàn tế Nam Giao của các triều đại phong kiến Việt Nam và Bàn Ông Thiên trong dân gian, hoặc Đài Ngưỡng Thiên Cầu Nguyện Hòa Bình của Cao Đài Tiên Thiên hồi hậu bán thế kỷ 21 (1970).
Đó là nguyên do của ngày lễ Vía Đức Chí Tôn trong Đạo Cao Đài, cũng là nguyên do của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên chọn ngày Mùng 9 tháng Giêng là ngày Khai sáng nền Tiên Thiên Đại Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ theo Thánh ý Đức Chí Tôn dạy tại Thiên Thai Tịnh vào Tý thời ngày mùng 9/Giêng/Giáp Tý (1924) trong Đại Hội Thiên Hoàng:
Bạch NGỌC gi áng lâm buổi mạt đời
HOÀNG đồ bố hóa khắp nơi nơi
THƯỢNG căn Đại Đạo Tiên Thiên xuất
ĐẾ nghiệp Nam bang sửa thế thời.
KIM viết ân hồng qui chánh giáo
CAO ĐÀI võ lộ hiệp cơ trời
NAM PHƯƠNG GIÁO ĐẠO con Hồng Lạc
Phục thủy linh căn đáo Thượng đời [4]
I. ÔNG TRỜI QUA TỤC NGỮ CA DAO:
Trước ngày Đạo Cao Đài ra đời, trong đời sống tinh thần của dân gian Việt Nam tự ngàn xưa đã có tư tưởng tin thờ Trời được ghi lại bằng ca dao, tục ngữ, thể hiện qua các mặt sinh hoạt khi mà con người đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, trước những thiên tai địa ách và nhơn họa đao binh, họ cảm thấy quá bé nhỏ và yếu đuối nên cần đến uy linh siêu nhiên của Ông Trời, về sau tín ngưỡng tôn giáo gọi là Thượng Đế hay Ngọc Hoàng Thượng Đế. Không nói chi đến thời xa xưa, ngay cả thời nay, dù người có đạo hay không có đạo cũng nhiều phen cầu Trời hay kêu Trời mỗi khi thất bại hay thành công trong cuộc sống. Đó chẳng phải là Đạo Trời luôn bàng bạc, chan hòa khắp không gian bao la và từng thời gian ngắn ngủi theo nhịp thở của vạn vật, của nhơn loại sao?
1. Ông Trời tạo hóa:
Người dân bình dị ít chữ nghĩa, cũng cảm thấy mình linh mẫn hơn các loài vật khác, và dù không lý giải được nguyên nhân hình thành vũ trụ là như thế nào, nhưng cũng mường tượng rằng có một Đấng siêu nhiên là Ông Trời tạo ra bầu trời và sản sinh nguồn sống cho vạn vật, như cô gái nhà quê hỏi một bạn trai nọ:
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời:
Thưở tạo thiên lập địa, Ông Trời tròn ai xây?
Từ Ông Trời tròn thiên nhiên, Ông Trời Vô Ngã, người ta đoan chắc rằng phải có Ông Trời Hữu Ngã, tức Ông Trời có “nhân cách” để tạo lập, cai quản, điều hành bầu trời thiên nhiên đó một cách trật tự, vì có quá nhiều thứ trên mặt đất mà con người không cách nào làm được, và người ta không tin núi non trùng điệp kia, sông sâu biển rộng bao la kia cũng không phải ngẫu nhiên mà có, phải do bàn tay vô hình nào đó sắp đặt:
Núi kia ai đấp nên cao,
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Đến cả những loại cây trái trong rừng, tại sao thế nầy mà không là thế nọ, như gai, ai chuốt cho nó nhọn; trái, ai vo cho nó tròn ?
Gai trên rừng ai bứt mà nhọn,
Trái trên cây ai vo mà tròn?
Hỏi tức là đã có câu trả lời. Chữ “ai” mà dân gian dùng cho những câu trên là ai ? Là Ông Trời vậy! Cho nên, có Ông Trời trước rồi mới có mình sau, mình đây là nhơn loại:
Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
2. Ông Trời sinh dưỡng:
Ông Trời trót đã sanh ra loài người thì Ổng cũng phải ban cho loài người cái gì đó để sống. Đạo Công Giáo truyền sang Việt Nam từ thế kỷ 18, nên dân ta cũng ảnh hưởng lời Đức Chúa Trời chép trong Kinh Thánh Cựu Ước ở chương Sáng Thế Ký: Ta sẽ ban cho mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loại cây xanh quả ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi [5], như câu tục ngữ:
Trời sanh Trời dưỡng.
Trời sanh voi, Trời sanh cỏ.
Tuy nhiên, khái niệm về “Trời dưỡng” không phải người ta cứ ngồi không mà nhận lấy cái ăn cái mặc như “há miệng chờ sung rụng”, mà phải ra công vun trồng “cây cỏ” do Trời sanh mới có cỏ cho “voi ăn”.
Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu có chí thì nên.
Làm đây là làm ăn lương thiện, cư xử với nhau có nhân có đức, có lòng tốt thì Trời mới nhỏ phước xuống cho, vì Trời đâu bao giờ phụ bạc người có tấm lòng tốt: Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn [6].
Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời danh phước cho.
Nhưng khi có của ăn của để rồi thì cũng nên tiết kiệm, tiêu xài có ngằn đúng nơi đúng việc, không nên tiêu xài phung phí vào những cuộc vui chơi vô bổ, hoặc sắm sanh dư thừa ăn nửa bỏ nửa, bởi phí phạm của Trời thì những đời sau chẳng còn cái để mà ăn:
Phí của Trời, mười đời chẳng có.
Làm người nên biết tiện tằn
Đồ ăn thức mặc có ngằn thì thôi.
Những người đói rách rạc rời
Bởi phụ của Trời, làm chẳng có ăn.
Tiện tặn không có nghĩa là hà tiện bỏn sẻn, cái gì cũng bo bo gom về mình, “bòn tro đãi trấu” từ công sức của người khác. Người tiện tặn cũng là người rộng rãi tốt bụng, hay giúp đỡ người thiếu thốn mà không tiếc, vì “người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết”:
Ở xởi lởi Trời cởi ra cho
Ở so đo Trời co ro lại.
Mặc dù “mưu sự do người, thành do Trời”, nhưng nếu ai cần mẫn siêng năng với thành tâm thiện ý thì Trời cũng chiếu cố ban ơn như lời động viên của một hiền phụ đối với chồng:
Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người.
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn Trời lộc nước đời đời hiển vinh.
Thái độ phó mặc cho Trời rất phổ biến trong dân gian thời xưa, nhưng trong thâm tâm người trong cuộc cũng có chút gì đó mang nghị lưc phấn đấu vì “tận nhơn lực” mới “tri thiên mạng”, và sự “tận nhơn lực” diễn ra một cách bình tĩnh, không nôn nóng vội vàng:
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
Khi nên Trời giúp công cho,
Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.
Trời sinh Trời chẳng phụ nào,
Công danh gặp hội anh hào ra tay.
3. Ông Trời công chứng:
Ông Trời cũng được người trần đặt vào ngôi vị là một “nhân chứng thiêng liêng” cho những mối tình nam nữ:
Trời cao đất rộng
Em vọng lời nguyền
Đất trời còn đó
Em giữ tuyền thủy chung.
Bên cạnh sự yên ấm hạnh phúc, cuộc sống con người còn có những biến động bất tường, khiến người ta buộc phải than trách Ông Trời hoặc kêu trời bằng giọng thống thiết bởi cảnh sanh ly như:
Trời ơi sinh giặc làm chi
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường.
và cảnh tử biệt như:
Lá vàng đeo đẳng trên cây
Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời?
hoặc khốn khổ vì sưu cao thuế nặng như:
Đời ông cho tới đời cha,
Đời nào khổ cực như ta đời nầy.
Ngoài đồng cắm cọc giăng giây,
Vườn nhà đóng thuế vợ gầy con khô,
Xâu cao thuế nặng biết chừng mô hỡi Trời !
Tại đôi lúc khổ quá nên người mình than trách Ông Trời một chút thôi chớ trong lòng vẫn in khắc Ông Trời như vị Thần hộ mạng trong những vụ mùa bị hạn hán:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm tôi thổi
Lấy chổi quét nhà
Con gà nhặt thóc…
hoặc những khi gặp cơn hoạn nạn, phong vũ bất kỳ:
Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời
Đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian.
hoặc vì nỗi hiếu thân cha già mẹ yếu:
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Qua được lúc cỏ cháy đồng khô và những hồi hoạn nạn rồi, cuộc sống nhà nông trở lại bình thường với niềm vui lao động, tưng bừng cả “trên đồng cạn dưới đòng sâu”:
Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì cày cạn, nơi thì bừa sâu.
hay là: Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Chưa hết, có lẽ do ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo về thuyết nhân quả nên dân gian còn xem Ông Trời như là một vị Thần linh cầm cân công bình, thưởng thiện phạt ác:
Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng
Ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy chà.
Do đó, người ta mới khuyên răn nhau ăn ở làm sao cho có nhân có nghĩa và sống đúng theo luân thường đạo lý, đừng cậy mạnh hiếp đáp kẻ thân cô thế yếu, đừng cậy giàu sang chèn ép kẻ nghèo hèn, vì “Trời cao có mắt”, trên đầu mình còn có Ông Trời soi xét, há không lấy làm kinh sợ sao ?
Cứ trong nhơn nghĩa luân thường
Làm người phải giữ kỷ cương mới mầu.
Đừng cậy khỏe, chớ cậy giàu
Trời kia còn ở trên đầu, còn kinh.
Cho nên trong sinh hoạt mua bán làm ăn, người ta coi trọng sự thành thật với nhau, không dám để mất chữ tín, bởi đâu có hay ho gì khi mình kiếm lợi bằng sự lừa đảo gian dối ngươi khác. Có tiền thì cả gia đình mình, bạn thân mình ăn xài hỉ hạ, nhưng khi mang tội thì chỉ một mình lãnh đủ thôi:
Tin nhau buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn hơn thiệt, trước sau như lời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống, tội Trời ai mang.
Đó là chưa kể tiền của tạo ra bằng việc làm phi nghĩa thì cũng có ngày Ông Trời sẽ lấy lại, không cho nữa:
Của Trời, Trời lại lấy đi,
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời.
Tuy nhiên trong xã hội cũng không hiếm người vì khốn khổ quá nên đâm liều, “bần cùng sanh đạo tặc”, biết là việc làm quấy có tội nhưng cái bụng đói buộc phải làm, và khi làm lại nghĩ là Ông Trời cũng thông cảm mà xí xóa cho không phải tội, lời ẩn dụ dí dỏm bằng hình ảnh người đi trong mưa mà không có nón:
Trời mưa thì mặc trời mưa
Tôi không có nón trời chừa tôi ra.
Cuối cùng, người ta có lúc cũng suy nghĩ lại: mỗi việc ở trần gian nầy cứ kêu Trời, than Trời, trách Trời hoài thì không nên, vì Trời là Cha thiêng liêng ở cõi Thiên đàng vĩnh cửu, trần gian nầy chỗ tạm, đâu phải là ngôi nhà thật thọ của mình để ở mãi đâu mà phải lao tâm khổ tứ tranh danh đoạt lợi, làm sao có ngày về gặp Cha ở trên trời cho được:
Xưa kia chỉ biết kêu Trời
Mà nay đã biết gọi Trời là Cha.
Trần gian chẳng phải là nhà
Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.
Thế nên, dù ai không tin có Trời, không tin có Thiên đàng Địa ngục, có luân hồi quả báo, thì bổn phận ta vẫn ôm giữ Đạo Trời không phút nào lơi lãng:
Dù ai nói ngược nói xuôi,
Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng.
II. ÔNG TRỜI TRONG ĐẠO TRỜI:
Đạo Trời tức Thiên Đạo. Ở đây, khái niệm về Thiên Đạo, chúng ta chỉ có thể nhận qua ba góc độ:
1. Về góc độ Đại Đạo:
Thiên Đạo là chân lý, là năng lực hóa dục vũ trụ, vạn vật. Khi chưa có trời đất đã có Đạo, nó vốn tịch nhiên vô vật, vô danh, vô thể, vô hình, vô tượng, vô thỉ, vô chung, vô nội, vô ngoại…nhưng không có chỗ nào mà Đạo không bao quát. Ở xa thì tồn tại trên cõi Tiên Thiên, ở gần thì tồn tại dưới điểm Nhất Tâm.Theo ngài Trang Tử, Đạo vô vi không có hình trạng, có truyền nó được mà không thấy nó được, tự bổn tự căn, chưa có trời đất đã có nó tồn tại từ xưa [7].
Vũ trụ vạn loại, vạn vật,vạn sự đều nương vào Đạo mà phát sinh, nương vào Đạo mà bảo tồn. Nghĩa lý của Đạo vô cùng uyên thâm và huyền diệu: là chân lý của Vô cực, là sự áo diệu của Tiên Thiên, chí thần chí minh. Cái lý ấy quán triệt cả trời đất muôn vật, cho nên hợp với lý ấy là thuận hợp với Đạo, trái với lý ấy là bội nghịch với Đạo.
Cho nên, với góc độ Đại Đạo, tại trời thì gọi là Thiên lý; tại đất thì gọi là Địa lý; tại vật thì gọi là Vật lý và tại người gọi là Tánh lý.
2. Về góc độ tôn giáo:
Tôn giáo là một hiện tượng văn hóa về tâm linh và thực hành đạo đức; thế giới quan và tổ chức xã hội có liên quan đến trật tự sinh tồn cho nhơn loại. Tôn giáo có khả năng thiết định sự kiểm soát trong vũ trụ và duy trì trật tự xã hội và đạo đức của các dân tộc.
Bất kể người đời đánh giá thế nào về tín ngưỡng tôn giáo, cuối cùng người ta cũng thực sự xác nhận nó đóng góp ba chức năng quan trọng trong cuộc sống:
1) Chức năng sinh tồn
2) Chức năng hội nhập
3) Chức năng nhận thức về đạo đức.
Nhìn qua các nền tôn giáo, tất nhiên có những điểm dị biệt về hình thức bên ngoài, nhưng bản chất đều lấy việc giáo dân vi thiện, an ủi tâm linh, xúc tiến sự hài hòa xã hội làm công năng và mục đích. Người giáo đồ luôn tâm niệm: học cho sáng lý Đạo để thực hành theo tôn chỉ, qui giới. Kính Thiên Địa, lễ Thần minh, hiếu phụ mẫu, trọng tiền nhân, tín bằng hữu, hòa hương lân, cẩn ngôn thận hành, cải ác hướng thiện; ngoài việc giữ gìn cang thường luân lý, còn phải nghiên cứu Thánh học Tiên phương, tu luyện nội hàm, làm sáng lại bổn tánh, chánh kỷ hóa nhơn, vãn hồi tệ nạn, tịnh hóa nhơn tâm và nguyện cầu thế giới hòa bình.
Lại với cái nhìn từ góc độ đoàn thể tôn giáo, Tiên Thiên Đạo là tôn giáo siêu việt, vượt cả thời gian và không gian.
3. Về góc độ Dịch số:
1) Ngày mùng 9: Số 9 theo số thứ tự của quẻ Dịch, thuộc quẻ Phong Thiên Tiểu Súc 風天小畜 ,có ý nghĩa lấy nhỏ nuôi lớn; mượn sự nuôi dưỡng Dương mà thối Âm. Giữ tâm có như không, thực như hư; trau dồi tâm đức càng ngày càng cao để từ từ tiến vào cảnh giới Thánh Hiền.
Số 9 còn là số của sự thương yêu rộng lớn (đại ái số). Chữ số 9 nầy rất đặc biệt, nó cộng hay nhân với bất kỳ số nào cũng trở về số 9. Ví dụ:
1+2+3+4+5+6+7+8=36 (3+6=9).
Và: 2x9=18 (1+8=9), 9x5=45 (4+5=9).
Cho nên việc bắt đầu kết hợp từ số 1, số 9 sẽ biến hóa ra chuỗi số vô tận để cuối cùng lại trở về 9 theo định luật nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bổn [8], cũng như trong vũ trụ có 3 màu chính là xanh, đỏ, vàng nhưng có thể bao gồm vô số màu sắc khác.
Thời nhà Minh, Vương Quì 王逵 có ghi trong Lãi Hải Tập 蠡海集 rằng: Ý nghĩa về Ngọc Đế giáng sinh ngày mùng 9 tháng Giêng là: Số dương bắt đầu tại số 1, và tận cùng ở số 9, có nguồn gốc khởi nguyên đến điểm cuối cùng [9].
Mùng 9 theo Dịch lý còn là số thuộc Kiền, Kiền vi Thiên 乾爲天 tức Đạo Trời; tháng Giêng là tháng Dần, Nhơn sinh ư Dần人生於寅 tức Đạo Người. Trời Người tác hợp có nghĩa là con người phải sống theo Đạo Trời. Trời có bốn Đức: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
2) Tháng Giêng mùa Xuân, ứng với số 1 là số bổn nguyên, sáng thế, thuộc dương Mộc; là hạt giống của sinh mệnh; nó bắt đầu như một dấu hiệu sáng tạo, khơi mở mầm móng cho vạn vật; ứng với đức Nhân của Ngũ Đức.
Theo số thứ tự của quẻ Dịch, số 1 thuộc quẻ Bát Thuần Kiền 八純乾 ,hợp với đức Nguyên của Kiền Đạo: thuần dương cương kiện để có thể hình thành được nền tảng vững mạnh cho sự sinh sôi trưởng dưỡng muôn vật mà trước đó có hiện tượng Tam Dương khai Thái: ba dương từ dưới vươn lên mở ra một cảnh giới Trời Đất giao hòa (Địa Thiên Thái 地天泰 ) , âm tiêu dương trưởng, biểu ý cho vận xấu qua đi vận may trở lại.
Tính cương kiện nầy không chỉ khởi lên đức Nguyên ở mùa xuân rồi dừng lại ở đó, mà nó phải hành kiện xuyên suốt qua ba mùa kế tiếp là Hạ, Thu, Đông và lòn lõi qua ba đức Hanh , Lợi , Trinh nữa. Thời tiết bốn mùa đều mang các yếu tố thịnh suy bỉ thới đều cần đến tính năng cương kiện để duy trì bản sắc của mỗi thời. Như mùa Xuân Nguyên sơ dương khí mới sanh, cây cỏ nảy mầm…cũng do tác động của cương kiện; mùa Hạ Hanh thông, dương khí sung mãn lưu hành, trưởng dưỡng vạn vật, cỏ cây phấn phát cũng do sự thúc đẩy của cương kiện; mùa Thu liễm thâu vạn vật, dương khí thích nghi, gặt hái lợi lộc… cũng do sự tá trợ của cương kiện; mùa Đông ẩn tàng, dương khí yên tĩnh, vạn vật trở về cội rễ của mình, giữ được sự chính bền đều nhờ vào cương kiện kềm giữ.
Cơ số 1 còn hàm chứa một lực lượng tích cực mạnh mẽ, đại biểu cho người Cha, cho Đấng Chí Tôn Đại Từ Phụ. Số 1 không chỉ là số đầu tiên, nó còn là số nền tảng của phép tắc sản sinh ra những chữ số tiếp theo sau nó.
Lợi thế tích cực của số 1 là dũng cảm, tính sáng tạo, tiến thủ, lạc quan, tín nhiệm. Số 1 cũng tượng trưng cho Thái cực, là nguồn gốc sinh ra vạn tượng, vạn hữu, vũ trụ, quần sinh. Đức Chí Tôn dạy:
Thầy sanh con mỗi con sẵn lộc
Cây sống nào không gốc đâu con?
Khắp trong vạn vật sống còn
Do Thầy sanh hóa bảo tồn thể thân” [10]
2) Nói về Đạo Người thì như chúng ta đã biết, do Người đứng chung ngôi tam tài cùng Trời Đất, nên ở vũ trụ Trời có chi thì cơ thể Người tương đương có nấy. Để giữ được sự thái hòa trong con người, chúng ta chỉ có cách là sống theo Đạo Trời. Cụ thể qua mấy điểm:
a. Tháng Giêng là tháng để người ta hoạch định các dự án làm ăn cho năm mới, cũng như giờ Dần người ta phải thức dậy toan tính công việc cho một ngày mới, đòi hỏi phải tập trung tinh thần và sức lực vào niên trình mới. Tinh thần và sức lực được hấp thu đầy chất cương kiện từ Kiền Đạo (Đạo Trời). Cương là ý chí cứng cõi, không chịu khuất phục trước ma lực tà thần nào, không chùn bước trước một chướng ngại nào trên đường tu thân hành đạo. Kiện là đức tin vững mạnh, không một tà thuyết nào làm lung lạc được tấm lòng kiên định, làm nghiêng đổ niềm tin của ta hướng về mục tiêu mà mình đã chọn.
b. Tháng Giêng là ứng với Đức Nhân của Đấng tạo đoan vũ trụ, cũng là đức Nhân đứng đầu trong ngũ đức của Đạo làm người. Nên khi chúng ta dâng lễ Vía Thầy cũng là dịp để suy niệm và thực hành đức Nhân theo tình Tạo hóa yêu sanh muôn vật.
Lòng Trời Đất thương đều muôn vật
Đức háo sanh Tiên, Phật một màu
Thượng cầm hạ thú lao xao
Côn trùng thảo mộc, loài nào chẳng linh.
[Kinh Sám Hối]
Đức Nhân tuy chỉ là một trong năm đức nhưng vì là đức “anh cả” đứng đầu, nên chức năng của nó bao gồm cả bốn đức kế là Lễ , Nghĩa , Trí và Tín mới có thể phát huy hết sở dụng của nó. Như trên đã nói, dương tính của Càn kiện lưu chuyển cả trong bốn mùa, tuy lúc hiện lúc ẩn nhưng nhờ nó mà Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mới phát huy hết tác dụng của mình. Cụ thể là:
* Khi đã có lòng Nhân tức đã có lòng thương người, thương nước thương dân, thì trong quan hệ xã hội, người ta sẽ không vì lợi ích riêng mình mà sanh lòng tham, cố ý xâm hại quyền lợi và sức khỏe của người khác bằng những mưu toan hay việc làm như ẩu đả gây thương tích cho người khác; tích trữ hay mua bán đồ gian; không buôn lậu trốn thuế; không lấn đất giành nhà giữa bà con chòm xóm. Giả như ai có hành động đó đối với mình thì cũng thể theo lòng Nhân mà bao dung và nhường nhịn, đừng sợ ai nói mình ngu khờ, phải có hùng tâm tráng chí mới giữ được lòng Nhân tức đức Càn Nguyên của Trời và giữ được giới Nhứt bất sát sanh và Nhì bất du thiết, gìn tròn chữ Nghĩa.
* Khi đã có lòng Nhân, thì người ta đâu nỡ “chia quyên rẽ thúy” làm tan vỡ tình cảm trong sáng của người khác; đâu nỡ làm hư hoại hạnh phúc gia đình bởi lòng ham muốn trăng hoa, gây điều khổ lụy cho bao người liên hệ; đâu nỡ ghét bỏ nguyên linh của mình để dục tâm biến thành ong bướm hút nhụy Tam hoa [11]. Không dính vào những ý tưởng và hành vi kể trên sẽ giữ được giới Tam bất đà dâm, gìn tròn chữ Lễ.
* Khi đã có lòng Nhân, thì người ta không nỡ mượn rượu làm nư, say sưa quậy trên phá dưới, gây mất trật tự trị an từ gia đình ra ngoài hàng xóm; không nỡ thiêu đốt tâm can, bôi mờ thần trí, xóa bỏ công phu của mình bằng cao độ hơi men. Đó là giữ được giới Tứ bất tửu nhục, gìn tròn chữ Trí.
* Khi đã có lòng Nhân, người ta cũng không nỡ bội bạc lời hứa làm người khác thất vọng; không nỡ lừa lọc giả dối để người khác cưu mang sầu khổ; không nỡ chán ghét bản thân mình đến nỗi để đức tin mơ hồ, tâm đạo lãng xao khiến đường tu trì trệ. Được như thế coi như ta giữ tròn giới Ngũ bất vọng ngữ và thành tựu chữ Tín.
3) Năm 1924 = (2+4=6)+(1+9=10-9=1) = 7 :
Số 7 theo số thứ tự của quẻ Dịch thuộc quẻ Địa Thủy Sư 地水師 , có ý nghĩa thuận thời tiến Dương; mượn Dương thối Âm; lấy chánh trị tà, dụng chân diệt giả; tùy thời thoát hiểm.
Số 7 thuộc dương Kim, màu tím, biểu tượng cầu vồng. Là chữ số đặc biệt kỳ diệu mà chúng ta có thể tưởng tượng ra vô số điều ảo diệu, thần bí liên quan tới nó. Như:
* Một tuần lễ có 7 ngày: Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, Thứ năm, Thứ sáu, Thứ bảy và Chủ nhật).
* Bắc Đẩu có 7 vì sao trong chòm sao Đại Hùng: Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc, Liêm Trinh, Vũ Khúc và Phá Quân.
* Cầu vồng có 7 màu: đỏ, vàng, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
* Âm giai có 7 âm: đồ, rê, mi, fa, sol, la, si.
* Trong cơ thể con người có 7 trung tâm năng lực hay 7 luân xa: Luân xa số 1 ở vùng sinh dục, Luân xa số 2 ở vùng bụng dưới , Luân xa số 3 ở vùng thượng thận , Luân xa số 4 ở vùng ngực, Luân xa số 5 ở vùng cổ, Luân xa số 6 nằm giữa hai chân mày và đáy sống mũi , Luân xa số 7 tập trung tại tuyến yên, nơi sàn não thất thứ ba.
* Trong đầu não con người có 7 loại hình thông minh hay năng khiếu: Năng khiếu về ngôn ngữ, năng khiếu logic - toán học, năng khiếu về không gian, năng khiếu về âm nhạc, năng khiếu về vận động thân thể, năng khiếu về tương tác, năng khiếu về tự nhận thức bản thân hoặc nội tâm.
* Sinh nhật của Chúa Giêsu là vào ngày 25 (2+5=7), vì vậy số 7 ở phương Tây được gọi là Thiên Chúa.
Số 7 còn tượng trưng cho chiều sâu bên trong của con người để tìm thấy ý nghĩa và kết nối tâm linh giữa con người với Thượng Đế, và là số tốt để đào sâu chân tướng của sự vật. Số 7 cũng được nhiều người trên thế giới xem là một con số may mắn (hạnh vận).
Tóm lại, tục ngữ, ca dao đã dệt thành gấm vóc và điểm tô màu sắc văn hóa về tín ngưỡng dân gian, đặt nền móng cho tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, mà điểm cao nhứt của sự giao thoa văn hóa và tôn giáo là Đạo Cao Đài. Đồng thời, khi tổng hợp hai tiết mục: Ca dao tục ngữ về Ông Trời, Ông Trời trong Đạo Trời bao gồm ba góc độ: về Đại Đạo, về tôn giáo và về Dịch số đủ để chứng minh cho sở dụng của Thiên Đạo như thế nào. Thiên Đạo khi được vận dụng vào đời sống con người thì đó là Thiên mệnh: Mệnh Trời phú cho gọi là Tính, noi theo Tính ấy gọi là Đạo, và tu luyện theo Đạo gọi là Giáo [11], bởi Đạo với Thiên vốn là một thể, là nguồn cội sinh hóa vạn vật, vạn loại, nên hợp xưng là Thiên Đạo, và Thiên Đạo được diễn hóa thành Tiên Thiên Đại Đạo.
III. TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO:
Đàn cơ Tý thời mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Tý (1924) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng dạy chuẩn bị thành lập Tiên Thiên Đại Đạo, trích đoạn như sau:
Khai trời mở đất lập Thiên Hoàng
Làm chủ mười hai, Hội Tý sang
Đại Đạo hóa hoằng sanh vạn pháp
Phật Tiên Thần Thánh thọ cơ quan.
Tam Kỳ tá thế ban ân xá
Danh Ngã Cao Đài cứu thế gian
Hữu phước Chơn sư truyền chánh giáo
Bền lòng tu niệm hưởng thanh nhàn.
Ta hỉ hỉ chư chúng sanh! Đã ba Nguơn Ta chiết
Chơn linh xuống thế bằng thai phàm lập giáo tận độ linh căn, bị chúa quỉ ma vương hãm hại xác phàm. Kỳ Ba nầy ta dùng điển quang giáng vào cơ bút, mượn Chơn đồng truyền khẩu dạy đạo.
Tòng! Hãy dạy cho Sung đến rước Nguyễn Hữu Chính tại Phủ Thờ về hợp tác lo khai Đạo. Sau nầy Ta sẽ thâu thêm Thất Thánh, Thất Hiền lo mở cơ Tiên Thiên Đại Đạo đó nghe!
Đương giờ Tý Thiên sanh khai Hội
Lập Cao Đài mở lối cơ quan
Cho con nước Việt Hồng Bàng
Đem con thoát khỏi tai nàn kỳ ba.
Dựng quốc Đạo bửu tòa thơ thới
Dạy thương yêu lập Hội Nhơn Hoàng
Địa Hoàng đất Thuấn âu ca
Đại đồng nhơn loại, bình hòa ngũ châu.
Hiệp ba mối gồm thâu năm cõi [12]
Luyện huờn hư, chín hội qui gia [13]
Tiên Thiên trổ mặt kỳ ba,
Đứng đầu sử Đạo, sau ra đại đồng (…) [14]
Qua trích đoạn Thánh giáo trên, chúng ta có lý do để xác định rằng, Thiên Thiên Đại Đạo không phải là một nhánh, một dòng (chi phái ) từ một cội (bổn ), một nguồn (nguyên ) đã có sẵn, nhưng là do chính Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Đức Chí Tôn dạy lập thành trong Tam Kỳ Phổ Độ, mà Tam Kỳ Phổ Độ lại là Đạo Cao Đài với danh xưng đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng do chính Đức Chí Tôn giáng điển sáng khai.
Trong đàn cơ tại Đại Hội Địa Hoàng (Thiên Thai Tịnh) ngày 15 tháng 10 năm Ất Sửu (1925), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tiếp tục giáng dạy lập Tiên Thiên Đại Đạo và có lời nhắn nhủ như sau:
“Tiên Thiên Đại Đạo là cái Đạo lớn của Đức Kim Mẫu sáng lập kỳ ba tại Nam bang mà lập thành chánh danh Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” [15]
Kinh Hoàng Tiết Lục 皇節錄 nxb Thiện Thư Duyên 善書緣- Đài Loan 台彎, có đoạn:
Huyền Khung Cao Thượng Đế 玄靈高上帝
Lịch kiếp ức vạn thiên 歷劫億萬千
Công đức mãn thiên hạ 功德滿天下
Viên thành đạo kiền thiên 無上證真仙 
Giáp Tý niên nguyên đán 甲子年元旦
Giáng điển lập Tiên Thiên 降電立先天
Đại Đạo Tam Kỳ hợp 大道三期合
Thiên vận vĩnh liên miên 天運永連綿.
Sở dĩ Đức Chí Tôn cho biết Tiên Thiên Đại Đạo là của Đức Diêu Trì Kim Mẫu sáng lập là căn cứ sự kiện Đức Kim Mẫu đã giáng điển dạy vị Đạo trưởng chưởng môn Toàn Chân Giáo [16] là Hoàng Đức Huy (1664 - 1731 ) chuyển lập Tiên Thiên Đại Đạo tại Trung Hoa vào thời Thuận Trị nhà Thanh, thế kỷ thứ 17 [17]. Về con người, Tiên Thiên Đại Đạo tại Việt Nam và Tiên Thiên Đại Đạo tại Trung Hoa không liên quan gì với nhau cả, sự trùng hợp ấy đều do huyền linh vận chuyển. Đây thuộc về nguồn gốc Tiên Thiên Đại Đạo, chúng ta sẽ bàn vào dịp khác.
IV. LỜI KẾT
Đạo Trời vốn không ở đâu xa. Nếu nói xa thì xa tít mù trong khoảng vũ trụ bao la; nếu nói gần thì gần ở quanh ta, ở ngay trong lòng ta. Đạo xa người chỉ vì người chẳng màng tới Đạo nên không thấy giá trị mà tìm cầu; thậm chí có thấy giá trị mà chỉ vì mãi quen làm bạn với mười ba con ma dục tình vọng thức nên cam đành xa cách Đạo Trời. Tuy nhiên những ai biết tin tưởng Trời, thờ kính Trời phần nào sẽ biết sống theo Đạo Trời thể hiện qua đạo lý làm người như ca dao bình dân đã bày tỏ. Còn đối với người tu theo Cao Đài thì Ông Trời (Đức Thượng Đế) và cái Đạo của Ngài lại càng thấm đậm rõ nét hơn từ tư tưởng, thái độ và hành vi.
Dẫu sao thì chúng ta vẫn còn là người phàm mắt thịt, cuộc sống vật chất vẫn phải chung đụng với người thế tục, ngoài việc tu hành ra còn phải bươn chải tìm cái ăn, cái mặc, cái ở. Tuy có được những thời cúng tịnh, không sợ chi đến việc xa đạo xa Thầy, chúng ta vẫn tâm niệm rằng luôn có Đấng Cha Trời đang ngự trong tâm, hằng an ủi, hằng hộ trì chúng ta trong những buồn nản, sa sút tinh thần vì những tai bay nạn gởi hay những chướng ngại lý trí từ mọi phương mang đến. Nhưng có lúc tưởng chừng ta không kham nỗi nên cũng buộc phải than thở với Thầy, với Mẹ kèm theo vài giọt nước mắt…mới trút được nỗi khổ đang nằng nặng trong lòng. Thà như thế còn hơn có người khổ quá không muốn tin gì ở Trời Đất nữa, “Trời không giúp thì ta tự lo”, rồi đâm ra làm liều đủ thứ để mong gỡ gạc lại những gì đã mất, cuối cùng chẳng được như ý mà tình trạng lại tệ hại hơn.
Cho nên, ngày lễ Vía Thầy cũng là ngày khai sáng Tiên Thiên Đạo tức Tiên Thiên Đại Đạo, nhắc cho chúng ta ghi khắc một điều là không để mất đi Thiên Tâm, còn gọi là Huyền Khiếu, là sức sống lúc nào cũng có, nơi nào cũng có, ẩn trong đó tính cương kiện của Kiền Đạo tức Đạo Trời. Bốn chữ Càn kiện cao minh trong bài kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo mà ta tụng đọc hằng ngày xem như là cẩm nang, là bùa hộ mạng cho người tu đang sống giữa thế gian đầy khổ đau và cám dỗ./.
THANH CĂN

______________________
CHÚ THÍCH:
[1] Thiệu Khang Tiết 邵康節(1011-1077)nhà Dịch học, nhà tư tường, nhà thơ thời Bắc Tống có nói: Trời mở tại Hội Tý thuộc quẻ Địa Lôi Phục. Đất mở ở Hội Sửu thuộc quẻ Địa Trạch Lâm. Người sanh ở Hội Dần thuộc quể Địa Thiên Thái. Chu kỳ 12 cung kết thúc ở quẻ Khôn là một Nguyên. Bàn Cổ sanh ở hội Dần (Thiên khai ư Tý, Phục quái dã. Địa tịch ư Sửu, Lâm quái dã. Nhơn sinh ư Dần, Thái quái dã. Chu thập nhị cung nhi chung ư Khôn, thị vi nhứt Nguyên. Bàn Cổ sinh ư Dần 天開於子,復卦也。地辟於丑,臨卦也。
人生於寅,泰卦也。周十二宮而終於坤,是爲一元, 盤古生於寅.
[2] Nguyên tác bài thơ Vịnh Tam Tài của Chí sĩ Trần Cao Vân (1866-1916):
Thiên Địa sinh ngô hữu ý vô 天地生吾有意無
Vị sinh thiên địa nội hàm ngô 未生天地内含吾
Ngô thiên địa hợp tam tài lập 吾天地合三才立
Thiên địa ngô đồng nhất tự đồ 天地吾同一字圖
Ngô xuất địa thời thiên chuyển động 吾出地時天轉動
Thiên giao ngô tịch địa bao lô 天教吾闢地包瀘
Địa thiên tải phúc ngô sinh lạc 地天載覆吾生樂
Thiên địa hóa công ngô hữu hồ 天地化工吾有乎
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời Đất Ta đây đủ hoá công.
(Chí sĩ Trần Cao Vân nxb Đà Nẵng 1999 tr.75-79)
[3] Lê Anh Dũng-Lịch sử Cao Đài Thời kỳ tiềm ẩn (1996) ch.II
[4] Theo sử liệu của Ban Tín Sử Cao Đài Tiên Thiên
[5] I have provided all kinds of fruit for you to eat (Genesis 1:29, Good New Bible, Philippine Society)
[6] Sách Minh Đạo Gia Huấn mục số 34 ghi: Hoàng Thiên bất phụ hữu độc thư nhân 皇天不負有讀書人Hoàng Thiên bất phụ hữu đạo tâmnhân 皇天不負有道心人 Hoàng Thiên bất phụ hữu hảo tâm nhân 皇天不負有好心人.
Nghĩa là: Trời không bỏ quên người có đọc sách (người học thức)
Trời không bỏ quên người có tấm lòng đạo đức.
Trời không bỏ quên người có lòng tốt.
[7] Trang Tử 莊子 thiên Đại Tông Sư 大宗師:Phù Đạo hữu tình hữu tính,vô vi vô hình, khả truyền nhi bất khả thọ, khả đắc nhi bất khả kiến, tự bổn tự căn, vị hữu thiên địa, tự cổ dĩ cố tồn夫道有情有信,無為無
形,可傳而不可受,可得而不可見,自本自根,未有天地,自古以固.
[8] 一本散萬殊,萬殊歸一本(Một gốc phóng ra muôn cái khác nhau, muôn cái khác nhau trở về một gốc)
[9] Thần minh giáng đản, dĩ nghĩa khởi giả dã. Ngọc Đế sinh ư chánh ngoạt sơ cửu nhựt giả, dương số thủy ư nhứt, nhi cực ư cửu, nguyên thủy yếu chung dã 神明降誕,以義起者也。玉帝生於正
月初九日者,陽數始於一,而極於九,原始要終也
[10] Thánh Huấn hiệp tuyển q.1 nxb Tôn giáo 2007 tr.135
[11] Tam hoa 三花: Ba thứ hoa trong nội công tâm pháp của Đạo gia. Ngọc hoa 玉花 tượng cho Tinh 精, Kim hoa 金花 tượng cho Khí 氣, Cửu hoa 九花 tượng cho Thần 神.
[12] Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị Đạo, tu Đạo chi vị giáo 天命之謂性,率性之謂道,修道
之謂教 (Trung Dung ch.1)
[13]  Ý nói qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi.  Tam hoa tụ đảnh, Ngũ khí triều nguyên.
[14] Chín hội qui gia: Hội đủ Cửu chuyển huờn hư là giai đoạn cuối của Đơn đạo.
[15] Theo sử liệu của Ban Tín Sử Cao Đài Tiên Thiên
[16] Toàn Chân Giáo: Vương Trùng Dương (1113 - 1170) là một đạo sỹ sống vào đời nhà Tống, là người sáng lập ra Toàn Chân giáo, là Bắc Tông của Đạo giáo Trung Hoa.
[17] Theo Chánh khóa khóa văn 正課課文(boktakhk.pixnet.net)
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

google translation

Blogger Tips And Tricks|Latest Tips For BloggersFree BacklinksBlogger Tips And Tricks
English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified
Powered By google

Tìm kiếm trong Blog này

LỜI NGỎ

Kính quý Huynh Tỷ, Đây là trang cá nhân, các bài được sưu tầm trên mạng để học hỏi và chia sẽ với bạn Đạo . Kính

XEM NHIỀU NHỨT

BÀI MỚI

Lưu trữ

Bài đăng phổ biến